Trước khi bắt đầu luyện thi hãy BIẾT và NHỚ:
1. Hiểu rõ TOEIC là gì, tại sao mình cần thi TOEIC để có một động lực học tập tốt và ý chí ôn luyện bền bỉ.
Nhiều người ôn thi TOEIC mà
không biết rõ bài thi TOEIC phục vụ mục đích gì, thì việc ôn thi sẽ rất
thiếu động lực, và vì thế mà kết quả thi không cao. TOEIC là tên viết
tắt của chữ Test Of English for International Communication tức là bài
kiểm tra giao tiếp quốc tế. Cái tên này có lẽ khiến người ta hiểu nhầm
trọng tâm kiểm tra của nó, khi nghĩ nó là bài kiểm tra giao tiếp thông
thường. Nhưng thực tế bài TOEIC lại kiểm tra trình độ tiếng Anh giao
tiếp quốc tế trong môi trường công việc, tức là nó kiểm tra trình độ
tiếng Anh thương mại của người dự thi. Chỉ có điều TOEIC không đi quá
sâu vào một chuyên ngành thương mại nào, mà chỉ kiểm tra các giao tiếp
phổ biến trong môi trường thương mại, công sở. TOEIC được công nhận rộng
rãi trên toàn thế giới ở các tập đoàn lớn, các chính phủ và cả các tổ
chức giáo dục.
Chính vì vậy bài kiểm tra TOEIC phù hợp với những ai cần sử dụng
tiếng Anh để làm việc. Những người đang học đại học, cao đẳng, trung học
chuyên nghiệp… nên ôn thi lấy chứng chỉ TOEIC để dễ dàng xin việc hơn.
Những người đang công tác nếu cần thì có thể ôn thi chứng chỉ TOEIC để
phục vụ trực tiếp cho công việc, để giao tiếp hiệu quả hơn và có thêm cơ
hội phát triển sự nghiệp. Đôi khi TOEIC cũng được sử dụng làm yêu cầu
đầu vào ở một số chương trình đại học ở các trường đại học quốc tế, hoặc
là trình độ ngôn ngữ để nhập cư vào các nước nói tiếng Anh.
TOEIC do Viện khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) thực hiện.
2. Hiểu rõ phạm vi của bài thi TOEIC và
cấu trúc của từng phần thi cũng như các yêu cầu làm bài cho từng phần để
không mất thời gian cho những điều không cần thiết.
Về mặt phạm vi kiểm tra, bài thi TOEIC kiểm tra trình độ tiếng Anh
thương mại thông thường với 13 chuyên đề nội dung gồm có: 1 – Nghiên cứu
phát triển sản phẩm trong doanh nghiệp (corporate development), 2 – Ăn
uống ở nhà hàng khách sạn (dining out), 3 – Chiêu đãi và giải trí
(entertainment), 4 – Tài chính và ngân sách (finance & budgeting), 5
– Sức khỏe, y tế (health), 6 – Tài sản doanh nghiệp (housing/corporate
property), 7 – Sản xuất (manufacturing), 8 – Nhân sự (personnel), 9 –
Mua sắm trong doanh nghiệp (purchasing), 10 – Các vấn đề kỹ thuật
(technical areas), 11 – Đi lại và công tác (travel), 12 – Các vấn đề
công việc nói chung (general business), 13 – Văn phòng (offices). Và
phạm vi từ vựng của bài thi TOEIC là khoảng 4000 từ vựng gồm từ vựng
tổng quát và thương mại.
Về mặt cấu trúc bài thi, hiện nay TOEIC có bài thi 4 kỹ năng nghe,
nói, đọc, viết và bài thi 2 kỹ năng nghe và đọc. Ở Việt Nam, chủ yếu
chúng ta vẫn làm bài thi 2 kỹ năng nghe và đọc. Bài thi 2 kỹ năng này có
7 phần thi nhỏ, được làm trong 120 phút với 200 câu hỏi chia đều cho 2
kỹ năng. Bạn có thể tìm hiểu dạng bài và cách làm bài cơ bản của 7 phần
thi này.
3. Biết rõ những giáo trình tốt để sử dụng và biết cách sử dụng tốt giáo trình.
Hiện nay có khá nhiều bộ sách luyện thi TOEIC trên thị trường, nhưng
được đánh giá cao nhất và nhiều giáo viên tin dùng nhất vẫn là các cuốn
sách luyện thi TOEIC của Longman từ trình độ bắt đầu (introductory), đến
trung cấp (intermediate) cho tới cao cấp (advanced). Đây là bộ sách
toàn diện và có đủ chiều sâu cả về sư phạm, giáo pháp cho đến nội dung
để người học có thể tự học, hoặc sử dụng như giáo trình học trên lớp một
cách hữu hiệu.
Sử dụng đúng giáo trình có nghĩa là bạn phải đọc kỹ
hướng dẫn sử dụng sách, phần mà rất nhiều người bỏ qua khi đọc sách. Bạn
nên đọc kỹ mục lục để hiểu cấu tạo của sách cũng như cảm nhận được
chiến lược viết của tác giả để biết mình sẽ xuất phát từ đâu và đi đến
đâu. Khi học bạn không nên chỉ học mỗi bài một lần duy nhất, vì học ngôn
ngữ đòi hỏi bạn lặp đi lặp lại, nên dù đã học qua bài đó rồi, bạn vẫn
nên đọc lại chính những bài mà bạn đã học rất kỹ khi rảnh, nó sẽ giúp
bạn xây dựng trí nhớ và khả năng sử dụng ngôn ngữ vững chắc, đánh tan sự
nghi ngờ của bản thân trong mỗi tình huống ngôn ngữ không rõ ràng mà
bạn đối mặt. Và bạn đừng ngần ngại đánh dấu và ghi chép thẳng vào sách.
Nếu bạn định học xong rồi bán những cuốn sách đó cho người khác thì là
một chuyện khác, bạn có động cơ để giữ sạch cuốn sách, nhưng bạn sẽ mất
nhiều thời gian để học và tra cứu thông tin hơn. Nhưng nếu bạn định học
để thu nạp toàn bộ tinh hoa của cuốn sách đó, và học để ghi nhớ được
thực sự, thì việc ghi chép vào sách khiến bạn nhớ tốt hơn nhiều. Vì
trong những lần đọc lại các trang sách có ghi chép của cá nhân bạn,
những dòng chữ, những đánh dấu đó sẽ lập tức giúp gợi nhớ ngay toàn bộ
quá trình tư duy của những lần học trước, khiến bạn nhớ rất hiệu quả bài
học trong sách đó.
4. Xác định rõ mục tiêu bằng điểm số giúp bạn duy trì động lực học tập tốt và nhanh đến đích.
Một mục tiêu rõ ràng luôn có sức thúc đẩy tốt, khiến động lực ôn thi
luôn được duy trì và năng lượng trong việc ôn thi cũng cao hơn. Người
luyện thi cần nhớ các phân đoạn điểm cơ bản sau để xây dựng mục tiêu cho
mình một cách phù hợp. Trong mắt các nhà tuyển dụng, những người có
điểm TOEIC dưới 300 điểm đồng nghĩa với không có khả năng sử dụng tiếng
Anh. Từ 300 điểm đến 450 điểm có nghĩa là người đó có thể đọc và nghe
tiếng Anh một cách cơ bản nhưng không giao tiếp được bằng tiếng Anh một
cách hiệu quả. Từ 450 điểm đến 650 điểm có nghĩa là trình độ tiếng Anh
khá và có thể sử dụng được tiếng Anh cơ bản nhưng không thuần thạo khi
nói và viết. Từ 650 đến 785 điểm là dấu hiệu cho thấy một trình đột
tiếng Anh có thể sử dụng độc lập trong giao tiếp và truyền đạt hiệu quả
các thông tin bằng tiếng Anh. Từ 790 điểm trở lên là người có thể giao
tiếp tốt bằng tiếng Anh với mức độ khó tương đối cao. Người có trên 900
điểm được coi là hoàn toàn thành thạo tiếng Anh trong công sở và có giao
tiếp trong mọi tình huống công việc đòi hỏi sự phức tạp cao về ngôn
ngữ. Một thông tin đáng chú ý đó là trong các tập đoàn quốc tế, nhân sự
cấp quản lý thường được yêu cầu mức điểm TOEIC khoảng 790 trở lên.
Mỗi một mức điểm số này đòi hỏi một sự rèn luyện và công sức đầu tư
tương ứng để có được vốn từ, sự thuần thạo trong kỹ năng đọc và nghe, và
sự nhuần nhuyễn với việc làm các đề thi TOEIC.
5. Học TOEIC là một cơ hội không thể tốt
hơn để nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh văn phòng và thương mại thực
thụ. Vì thế học để sử dụng sẽ có lợi hơn nhiều lần so với học chỉ để
thi.
Học để thi là cách học thực dụng, tập trung vào các từ vựng hay dùng
và các kỹ thuật làm bài cho từng phần cũng như cách tránh các bẫy được
đặt ra. Tâm lý học để thi thường hướng tới tâm lý luyện để trả lời đúng
thay vì học để nhớ và để dùng. Tâm lý luyện để trả lời đúng kéo theo
việc trí nhớ tạm thời được kích thích hoạt động nhiều hơn, và sau kỳ thi
thì sẽ chấp nhận quên hoặc “buông” các từ vựng, các cụm từ… đã học khỏi
trí nhớ. Chính vì thế nhiều người học TOEIC và có thể thi được điểm
tương đối cao nhưng lại không thực sự sử dụng được trong công việc.
Nhưng bạn hãy xem lại nội dung từng bài thi TOEIC thì sẽ thấy bài thi
này kiểm tra một cách rất thực dụng vào các vấn đề thực tế trong giao
tiếp tiếng Anh thương mại như đọc các bức thư, các email, các thông báo,
các đoạn quảng cáo, các thông tin doanh nghiệp… nghe các thông báo, các
đoạn hội thoại thường xuyên dùng trong công việc, các cách hỏi và trả
lời rất thực tế và trực diện vào công việc… Nếu đặt một câu hỏi khác đi,
đó là: Sẽ ra sao nếu chúng ta cũng giao tiếp như chính bài thi TOEIC này?
Nếu bạn cũng có thể nói một mạch các bài độc thoại như phần short-talks
trong phần 4, hay cũng có thể hội thoại như phần 3 – conversations,
hoặc cũng viết được các email hay thư tín như phần 7 – reading passages
thì sao nhỉ? Điều đó có nghĩa là bạn có khả năng giao tiếp hoàn hảo
trong môi trường thương mại quốc tế, và có thể làm việc ở bất cứ nơi nào
trên thế giới mà dùng tiếng Anh. Một điểm thú vị của tâm lý học tập đó
là khi ta đã có ý chí học để sử dụng, thì não bộ của chúng ta sẽ tự động
mở ra cánh cửa để ghi nhớ ngôn ngữ này trong dài hạn, và nó sẽ tự động
hỏi bạn trong các tình huống thực tế rằng tình huống này thì câu tiếng
Anh nào trong bài luyện thi TOEIC mình đã nhớ được để dùng nhỉ? Việc học
để sử dụng cho tương lai khiến cho trí nhớ dài hạn được thiết lập và
nhớ sâu, thay vì trí nhớ tạm thời. Và cũng vì học cho tương lai, bạn sẽ
thấy từng bài đọc, bài nghe của TOEIC có giá trị hơn rất nhiều, và thân
thiết hơn rất nhiều cho bạn, vì bạn biết chúng đồng hành với thành công
sau này của bạn.
Khi ôn luyện cho bài thi hãy NHỚ:
6. Chìa khóa của bài thi TOEIC nằm ở từ vựng và các cụm từ, không nằm ở biết nhiều hay biết sâu về ngữ pháp.
Biết nhiều từ vựng và cụm từ gồm các từ hay đi với nhau thì người làm
bài sẽ được điểm cao và rất cao, ngược lại biết ít từ vựng thì dù có
nhiều mẹo làm bài đến mấy người làm bài cũng chỉ vượt lên được ngưỡng
điểm trung bình, tức là từ 500 điểm trở xuống. Cụ thể là trong bài thi
TOEIC, không quá 10% số lượng câu hỏi, tức là chỉ khoảng 20 câu hỏi là
những câu kiểm tra thuần túy về mặt ngữ pháp như chia động từ, điền dạng
đúng của từ loại… Những câu hỏi ngữ pháp này cũng rất dễ suy đoán khi
người học có trình độ ngữ pháp trung bình. Đừng tốn thời gian học ngữ
pháp quá nhiều. Tất cả 90% còn lại của bài thi chỉ tập trung vào kiểm
tra vốn từ và khả năng vận dụng vốn từ trong các bài đọc và nghe của thí
sinh. Chính vì thế người thi TOEIC cần biết nhiều từ vựng, hoặc tối
thiểu cũng phải nắm được nhóm các từ vựng hay kiểm tra trong bài thi
TOEIC (click vào đây để download từ hay dùng). Hãy nhớ rằng biết nghĩa
của từ vựng là không đủ, mà phải biết âm thanh, tức là phải nghe từ vựng
đó và phát âm theo nhiều lần để nhớ chắc chắn âm thanh của nó. Và từ
vựng đứng một mình không có nhiều giá trị, từ vựng thường đi với nhau
theo cụm từ cố định, nên phải học nhiều các cụm từ, và học từ vựng trong
bối cảnh của từng bài đọc, bài nghe của chính bài thi TOEIC là hữu hiệu
nhất. Khi đã học tốt cụm từ thì bạn sẽ không bị đánh lừa bởi các bẫy
vặt trong bài thi, ví như từ đồng âm chẳng hạn. Writing (viết) và riding
(cưỡi) trong tiếng Anh giọng Mỹ (giọng chiếm 70% bài thi TOEIC) được
phát âm giống hệt nhau, và nó sẽ gây hoang mang khi học, và là cạm bẫy
cho ai học từ rời rạc từng từ mà không học theo cụm từ. Nếu học theo cụm
và học trong bối cảnh thì dĩ nhiênwriting an email (viết một email) không thể bị nhầm lẫn với riding a bike,
và chữ email sẽ cho bạn biết trước nó là chữ writing chứ không thể nào
là chữ riding, và tương tự như vậy, từ bike (xe đạp) sẽ cho ta biết
trước đó chính là từ riding chữ không thể là writing.
7. Để đạt điểm cao trên 750 điểm, bạn cần học nghiêm túc với cường độ cao để đạt đến sự nhuần nhuyễn với bài thi TOEIC.
Bài thi rất dài và nhiều áp lực nhằm đánh giá chính xác khả năng sử
dụng tiếng Anh nhuần nhuyễn. Chính vì thế mà bài thi TOEIC được thiết kế
với những bài nghe và bài đọc rất dài. Ở bài nghe, người nghe chỉ được
nghe một lần duy nhất và sau bài nghe thí sinh chỉ có trung bình là 5
giây để trả lời một câu hỏi. Tương tự như vậy, bài đọc cũng được thiết
kế đủ dài để ngay cả người đọc tiếng Anh rất thành thạo cũng chỉ kịp đọc
một lần, cộng với khoảng thời gian suy luận ngắn là phải trả lời câu
hỏi. Cho nên nếu thí sinh không nhuần nhuyễn các dạng bài, các mẫu câu,
từ vựng và cụm từ, cộng với một vài thành ngữ hay dùng trong TOEIC thì
chắc chắn không thể có đủ thời gian để đọc hết bài đọc và phải điền bừa
vào những câu không kịp đọc. Chính vì thế, để đạt điểm cao từ 750 điểm
trở lên, người học nhất thiết phải có một vốn từ vựng rất tốt, cộng với
việc làm các đề thi thử giống như thi thật trước khi thi ít nhất là
khoảng 5 bộ đề thi khác nhau, và học triệt để các từ vựng và cụm từ,
cũng như liên tục rút kinh nghiệm cho riêng bản thân mình sau từng bài
thi tự làm.
8. Hãy sử dụng triệt để audio script và
phần giải thích đáp án của bài đọc, vì chúng sẽ giúp bạn nâng cao vốn
tiếng Anh và điểm TOEIC nhanh nhất.
Một sai lầm thường thấy của người học luyện thi TOEIC là chỉ tập
trung làm bài tập mà không tập trung thực sự và đủ sâu cho việc chữa
bài. Có thể bạn sẽ nghĩ là tôi sai lầm khi nói như vậy. Nhưng hãy xem
những phân tích sau đây, bạn sẽ nghĩ khác. Làm bài tập là một quãng tập
trung sâu và nghiêm túc, đáp án nói bạn đúng sẽ làm bạn vui, và nói bạn
sai sẽ làm bạn thất vọng… nhưng đúng hay sai không thực sự quan trọng
đến vậy khi bạn đang luyện thi, mà tại sao đúng, tại sao sai còn quan
trọng hơn nhiều. Đó chính là lúc bạn phải dành thời gian nghiên cứu sâu
hơn đáp án đấy, nhất là các phân tích lý do đúng sai. Tiếp tục nỗ lực
tập trung nghiên cứu sẽ cho quá trình tập trung làm bài tập vừa rồi một
sự nối dài hiệu quả để hình thành sự am hiểu sâu về tiếng Anh trong từng
trường hợp cá biệt của từng câu hỏi. Sau đó là phần lời của các bài
nghe. Phần này bạn càng đọc kỹ càng tốt. Hãy tra tất cả từ mới ra, và
nếu có thể thì hãy nghe lại bài nghe và mắt dò theo từng dòng chữ để
giúp bạn hiểu sâu hơn bài nghe đó. Nếu nghe lại chỉ một lần thì không
tốt, mà hãy nghe nhiều lần đến mức độ bạn cảm thấy như đã thuộc từng câu
trong bài nghe đó. Kết quả kỳ diệu sẽ đến với bạn sau nhiều lần lặp lại
việc học sâu này, vì lúc đó bạn có một vốn từ vựng tốt hơn trước rất
nhiều, có khả năng phán đoán rất tốt cho mỗi bài nghe, và quan trọng
nhất là khả năng suy luận và ghi nhớ toàn bộ ý chính bài nghe chỉ sau
một lần nghe. Nếu bạn có ý muốn làm điều này rồi, thì hãy nhớ là bạn cần
phải kiên trì. Vì những lần đầu tiên là những lần thử thách khó chịu
nhất. Khi chưa tự nói lại được các bài nghe, thì hãy nhớ là bạn chưa
nghe đủ nhiều để thấm bài nghe vào đến mức độ nói lại được. Một kỹ thuật
học tiếng Anh quan trọng mà các chuyên gia đào tạo tiếng Anh luôn
khuyên học đó là thuộc càng nhiều bài nghe càng tốt, vì học SÂU mới tạo
thành phản xạ ngôn ngữ bền vững và nhanh nhạy.
9. Có một cuốn sổ ghi chép riêng cho việc luyện thi TOEIC của bạn sẽ giúp bạn ôn tập nhanh nhất.
Một nét chì mờ hơn một trí nhớ đậm. Ghi chép, bản thân nó đã là một
lần luyện tập và ghi nhớ rồi. Khi đọc lại, bạn lại càng cảm thấy dễ nhớ
hơn vì những nét chữ của bạn, những màu mực đó… có khả năng giúp bạn hồi
tưởng một cách thú vị và rất riêng tư vì nó thuộc về riêng bạn. Những
trang vở ghi chép theo quá trình học tập giúp bạn gợi nhớ lại tất cả quá
trình ôn thi. Chính vì thế hãy ghi chép một cách nghiêm túc. Tuyệt đối
không được nghĩ là mình sẽ nhớ được, vì hãy tin tôi đi, bạn sẽ quên nó
ngay khi bạn kết thúc buổi học, lúc mà bạn nghĩ tới các chuyện khác
ngoài TOEIC.
Khi ghi chép, tôi không khuyến khích bạn ghi chép theo kiểu vở sạch
chữ đẹp, tôi khuyên bạn ghi nhanh nhưng rõ ràng, và đừng ngại sử dụng
nhiều màu mực khác nhau để tạo những ký hiệu riêng trong quá trình ghi
chép. Nó giúp bạn ghi nhớ một cách có hệ thống những gì bạn đã học, và
là tham chiếu tốt để dẫn bạn tới những bài học mà bạn cần ôn sâu sắc
thêm trong các cuốn sách.
Khi làm bài hãy NHỚ:
10. Khi làm bài, hãy chấp nhận phán đoán
bằng trực giác, và không bao giờ băn khoăn với những câu trước, chỉ tập
trung vào câu hỏi hiện tại.
Bài thi TOEIC
chỉ cho bạn trung bình 5 giây để đưa ra đáp án cho mỗi câu hỏi. Bạn hãy
thử tự đếm nhẩm ra miệng từ 1 đến 5 mà xem, bạn đếm xong tức là 5 giây
đã trôi qua rồi. Nhanh quá phải không? Nó thực sự chỉ đủ cho bạn chọn
thật quyết đoán một phương án trả lời. Chính vì thế khi làm bài, bạn cảm
thấy không chắc chắn với một câu nào đó, bạn buộc phải chấp nhận nghe
lời mách bảo của trực giác và đánh dấu vào đáp án. Nếu bạn băn khoăn suy
nghĩ về nó, tức là bạn đang chuẩn bị hy sinh câu hỏi tiếp theo, và như
thế bạn sẽ mất đi 2 câu. Nhưng tệ hơn là tiếp theo sự mất đi của câu sau
đó, sự bối rối sẽ ùa đến bao trùm lấy bạn, và như thế là bạn có thể bị
mất đi nhiều hơn 2 câu hỏi rất nhiều. Những câu đã qua thì hãy để nó
qua. Chỉ tập trung vào câu hỏi hiện tại, sẵn sàng chuyển sang câu tiếp
theo, quên tất cả những câu hỏi trước đó mà không một chút băn khoăn.
Nếu thực sự bạn nghĩ rằng bạn có thể trả lời đúng nếu được suy nghĩ thêm
cho câu đã qua nào đó, hãy đánh dấu câu đó bằng một dấu sao (٭) để đến
khi kết thúc câu hỏi số 200, bạn quay trở lại suy nghĩ và đưa ra quyết
định cuối cùng cho những câu đánh dấu sao (٭) đó trước khi nộp bài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét